Bình luận về nguyên nhân thất bại Hải chiến Hoàng Hải (1894)

Bình luận về nguyên nhân thất bại, các nhà sử học ngày nay đều đồng ý rằng nhà Thanh sở hữu hạm đội mạnh bậc nhất, vũ khí thậm chí còn vượt trội so với quân Nhật nhưng sức chiến đấu quá yếu kém.

Kỳ hạm Matsushima của Nhật chỉ được trang bị duy nhất một khẩu pháo 320mm, trong khi thiết giáp hạm Định Viễn và Trấn Viễn sở hữu tổng cộng 8 khẩu pháo 305mm.

Bên cạnh đó, các tàu Trung Quốc hầu như không được cấp đạn thật huấn luyện, trong khi số đạn dự trữ không nhiều, không đủ để chiến đấu dài hơi. 8 khẩu pháo 305mm trên 2 thiết giáp hạm chỉ có 300 viên đạn, không đủ chiến đấu trong một ngày.

Kế hoạch thay thế các khẩu pháo 305mm bằng loại pháo 305mm kiểu mới, có tốc độ bắn cao hơn và chính xác hơn được đề ra từ năm 1892, nhưng không bao giờ trở thành hiện thực.

Nhiều quả đạn pháo thậm chí còn bị nhồi mạt cưa và nước chứ không phải thuốc nổ, theo tài liệu chép lại của tác giả Sarah C.M. Paine, trong cuốn sách Chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895). Cá biệt có trường hợp hai khẩu pháo 250mm trên tàu chiến của hạm đội bị đem ra ngoài bán lấy tiền tiêu xài.

Thất bại nặng nề trong 8 tháng giao chiến khiến nhà Thanh phải ký hòa hước với Nhật Bản, chấm dứt tầm ảnh hưởng ở Triều Tiên. Nhà Thanh phải nhượng đảo Đài Loan và nhiều vùng đất khác cho Nhật, bồi thường chiến phí khổng lồ.

Ngược lại, chiến thắng trước Trung Quốc tạo cơ hội để hải quân Nhật tích lũy kinh nghiệm, láy tiền chiến phí bổ sung thêm lực lượng. Người Nhật còn tiếp tục đánh bại Đế quốc Nga trong cuộc chiến năm 1904-1905 để thay thế Trung Quốc, trở thành nước có lực lượng hải quân hàng đầu châu Á.

Người Trung Quốc ngày nay không mấy ưa Nhật Bản, một phần vì những vụ đụng độ mà họ phải chuốc lấy phần thất bại, trong đó có trận thủy chiến nổi tiếng nói trên.